Monday, September 29, 2014

NHỮNG LÝ DO ĐỂ BẠN ĐỪNG ÔM MỘNG HỌC ĐẠI HỌC CHỈ ĐỂ KIẾM TIỀN VÀ LÀM GIÀU.

Nhiều người nói. Đại học là con đường ngắn nhất để đi tới thành công.  Bạn nghĩ liệu có đúng? Bản thân tôi, một người từng trải qua bốn năm trên giảng đường Đai học, tôi chỉ ước nếu được chọn lại tôi sẽ không học Đại học.



Thật sự thì học Đại học không tuyệt vời như chúng ta vẫn nghĩ. Bao nhiêu người sau khi trở thành sinh viên cảm thấy chán ghét việc học Đại học của mình. Sinh viên các trường Đại học vẫn có câu “trong chán ngoài thèm thế mà cứ đâm đầu vào”
Chi phí học Đại học khá lớn
Thử làm một phép tính, học Đại học 4 năm bố mẹ bạn sẽ phải tiêu tốn một số tiền khoảng 100 - 150 triệu đồng cho mỗi đứa con. Sau khi ra trường, bao nhiêu người tự tin nói rằng tôi có thể tự xin được việc với mức lương đủ để nuôi sống bản thân và bố mẹ mình. Nếu bạn không phải là người thật sự xuất sắc thì cơ hội để bạn có thể vào làm ở một công ty hay một doanh nghiệp với mức lương đủ sống là điều rất khó xảy ra. Hoặc nếu gia đình bạn có vài ba mối quan hệ và tài chính thì việc bỏ ra vài trăm triệu thậm chí là tiền tỷ để bạn có một công việc là điều mà bây giờ ai cũng biết. Và rồi với mức lương cơ bản nhân theo hệ số hiện giờ thì sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt phí, bạn nghĩ trong bao lâu bạn sẽ dành dụm được vài trăm triệu mà bố mẹ bạn đã bỏ ra để nuôi bạn ăn học cũng như chạy việc.
Môi trường Đại học quá tiêu cực
Nếu được hỏi môi trường nào bạn thấy tiêu cực nhất thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là môi trường Đại học ở nước ta.
Chắc hẳn ai đã từng là sinh viên sẽ không còn xa lạ gì với chuyện chạy điểm, chạy bằng, chạy môn trong trường Đại học. Tôi không bi quan hay nhìn đời bằng thái độ tiêu cực nhưng đó là sự thật mà bao lâu nay chúng ta nghiễm nhiên chấp nhận nó. Mà cũng đúng thôi, không chấp nhận thì làm thế nào được.
Học vì điểm số, học vì bằng cấp là điều không còn xa lạ gì nhưng càng ngày, vấn đề này càng trở nên trầm trọng khi sinh viên đến lớp không còn hứng thú, say mê với môn học mà chỉ nghĩ cách làm sao để qua môn với điểm số cao nhất.


Lý thuyết chưa bao giờ được gắn với thực tế
Bao nhiêu sinh viên học kinh tế dám khẳng định nếu cho họ vốn họ sẽ đầu tư có lãi dù chỉ là một vụ đầu tư nhỏ. Bao nhiêu sinh viên xây dựng giám nhận mình có thể tính toán mức thầu khoán xây dựng một ngôi nhà… Tôi đảm bảo với bạn là rất hiếm, hoặc là họ không đủ năng lực, hoặc là họ không đủ tự tin. Thế nhưng nếu bạn đưa một số tiền cho những người dù chỉ buôn bán nhỏ lẻ thôi thì tôi tin chắc họ sẽ làm cho số vốn đó có lãi, hay như một người thợ xây có thể tính toán chi tiết số nguyên vật liệu cũng như số tiền để xây một ngôi nhà đâu ra đấy mặc dù họ không học Đại học.
Môi trường Đại học ở nước ta hiện nay đang tạo ra những con robot chỉ biết làm theo mà không biết đúng hay sai.
Chất lượng đào tạo Đại học không tốt như mong đợi
Hằng năm không biết bao nhiêu sinh viên khá giỏi tốt nghiệp ra trường nhưng các doanh nghiệp thì vẫn luôn kêu ca về việc chất lượng đào tạo Đại học vì số sinh viên này sau khi được nhận đều phải đào tạo lại từ đầu.
Chuyển tiếp giữa bậc học phổ thông và Đại học chưa khoa học
Việc chuyển tiếp giữa bậc học phổ thông và Đại học hiện nay có quá nhiều bất cập mà ai cũng thấy rõ.
Tôi luôn thắc mắc tại sao tôi phải học ba môn toán, lý và hóa học để thi vào học kinh tế ở một trường Đại học mà sau khi đỗ và vào học thì tôi không cần phải dùng đến kiến thức môn vật lý và hóa học. Trong khi đó, trong suốt thời gian học phổ thông thầy cô ra sức nhồi nhét vào đầu óc chúng tôi hết nguyên lý này đến nguyên lý khác, đến định luật này rồi định luật khác, còn chúng tôi thì ra sức học những thứ đó với ý nghĩ học hết kiến thức sách giáo khoa và thầy cô cho thì sẽ đậu Đại học.
Thời gian học ở Đại học phải chăng là quá dài
Thời gian học Đại học quả thực quá dài so với lương kiến thức mà một sinh viên có thể tiếp thu được sau đó. Bao nhiêu người có thể nhớ được khoảng 40%  kiến thức được học ở trường Đại học sau khi tốt nghiệp. Hay tất cả chỉ là một mớ hỗn độn, không đầu không cuối, họa chăng cũng chỉ là một chút kiến thức chuyên ngành còn sót lại.

(Hình minh họa)
Bằng Đại học bây giờ không còn có giá
Trước đây, bằng Đại học thật sự rất có giá nhưng những năm gần đây người người học Đại học, nhà nhà có con em học Đại học, có thể nói là phổ cập Đại học thậm chí là Thạc sĩ. Vậy bạn nghĩ tất cả những người tốt nghiệp Đại học sẽ làm nên chuyện ư? Nếu như thế thật thì còn gì bằng nhưng thật sự chuyện sinh viên bằng giỏi đi quét rác, Thạc sĩ không có việc làm đang nhan nhản ngoài xã hội đấy bạn ạ.
 Chỉ nên học khi có đủ đam mê
Tôi đã từng hỏi các bạn, các em, các anh chị của mình họ học Đại học vì lí do gì và không bất ngờ khi phần lớn họ đều trả lời rằng học vì bố mẹ muốn, học vì trường đó thi dễ đỗ, học vì không học thì biết làm gì… Rất ít người có thể tự tin nói họ học vì học thích, họ học vì đam mê của mình.
Tôi đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần một video trên youtube của Giáo Sư Lân Dũng nói về việc học của sinh viên ngày nay khác rất nhiều so với thời ông học. Nếu vào thời đó mọi người học vì muốn tìm tòi những cái mới, muốn giúp đất nước phát triển thì bây giờ sinh viên đi học hầu như chỉ mong được điểm cao, bằng đẹp mà thôi.
Học Đại học không có gì là sai nhưng bên cạnh đó còn nhiều thứ chúng ta cần phải suy nghĩ bởi cái gì cũng có hai mặt tốt - xấu của nó. Có rất nhiều cách để bạn tự học hỏi và tích lũy kiến thức mà ở Đại học không hề dạy cho bạn. Đại học không phải là nơi tạo ra những người giàu vì vậy đừng ôm mộng học Đại học chỉ để kiếm tiền và làm giàu.
Có thể trong một xã hội mà tất cả mọi người đều làm theo một chuẩn mực có sẵn thì việc mình làm trái với những điều đó được xem là sai. Nhưng là người chúng ta nên biết mình cần gì và cái gì là tốt nhất cho mình bởi không ai sống thay cho mình được. Đừng để sau này phải nói giá như, nếu… thì.





0 comments:

Post a Comment