Monday, September 29, 2014

TRIẾT LÝ 3 XU VỀ QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN

Lòng tự trọng không ai cho, mà do hệ giáo dục mà nên. Như lối nghĩ của các tiền nhân. Nghĩa quân tử đâu phải ở việc học nhiều hay không, mà là ở cung cách sống, cách nghĩ, cách hành động. Lối sống ngay thẳng được đề cao thành 1 tượng thờ như tôn giáo của người quân tử. Thế cho nên xã hội mới phân biệt được những kẻ tiểu nhân để lên án và dạy cho đời sau phải dè chừng.


Người quân tử không hẳn là 1 người quá thông minh, hay quá giỏi giang. Tuy vậy người quân tử là người có lòng tự trọng, trách nhiệm và tính nhân văn cao. Tiểu nhân thì ngược lại, tuy vậy có những tiểu nhân lại rất thông minh, tài giỏi nhưng hướng cái tâm cho những việc hại người vì lợi ích riêng của mình. Luận bàn về nhân cách không phải là điều hay khi bản thân mình còn chưa hoàn thiện, nhưng ở cái xã hội mà lòng tự trọng được bán rẻ cho lợi ích cá nhân, tính trách nhiệm bị đùn đẩy cho kẻ khác thì 1 kẻ "ít học" vẫn phải bức xúc. Bởi nếu lặng im thì hóa ra lại thành nhu nhược.
Người ta thường ví von "nhà dột từ nóc" để ví von sự "mất dạy" của 1 con người là từ những người dạy dỗ và làm gương không tốt cho người đó. Câu nói chỉ 4 chữ nhưng khắc họa sâu sắc sự đanh thép phê phán của người đời với những kẻ được cho là tiểu nhân. Đúng như bản chất câu nói: "Nhà dột từ nóc": cái nóc nhà là cái che nắng, che mưa, thế nên khi nó bị hỏng thì tất nhiên sẽ bị dột ướt làm hư hỏng những thứ bên dưới nó. Triết lý cho cái nóc nhà là để ứng cho cái nhân cách con người quả không sai.
Từ luận đề này ta có thể phát triển thêm về các tiểu tính trong hệ nhân cách. Ví như lòng tự trọng là 1 trong những tính cách nổi bật dễ thấy, dễ so sánh, dễ nhận biết ở cả quân tử và tiểu nhân. Người quân tử xem Tự Trọng là tôn giáo để tôn thờ. Con người ta cần sống ngay thẳng, làm điều đúng đắn, khiêm nhường khi gặp cao nhân, và thẳng thắn lên án khi gặp chuyện bất bình trong thiên hạ. Làm điều đúng thì được quyền ngẩng cao đầu, làm điều sai thì phải biết muối mặt nhận lỗi và học cách sửa sai. Thế nên quân tử còn là biết nhận sai, biết khuyết điểm và quyết tâm sửa sai. Tiểu nhân - tất nhiên phủ nhận tất cả, đổ lỗi cho kẻ khác, đẩy trách nhiệm cho kẻ yếu thế hơn mình, hòng thoát tội hay để không ai biết mình ngu dốt. Vậy nên 1 kẻ "ít học" cũng có thể là quân tử, mà 1 kẻ học cao cũng vẫn có thể là tiểu nhân.


Quân tử - tiểu nhân ở các thời đại cũng có điểm chung mà cũng lắm điểm khác biệt. Ví như Chí Phèo ở cái thời đói rách của dân tộc là 1 điển hình. Người ta ghét Chí Phèo bao nhiêu thì cũng thương thay cho thân phận con người vào buổi nhiễu nhương bấy nhiêu. Kẻ tiểu nhân Chí Phèo là sản phẩm của 1 thời đại mà chế độ phong kiến tiền thuộc địa Tây phương nhồi nặn nên, thuận theo thì sống, nghịch đi thì chết.

Tiếng chửi của Chí Phèo là tiếng chửi đổng vào cái thế sự đời trong phạm vi làng Vũ Đại, đồng thời là tiếng gào thét lầm than của 1 thế hệ con người bị cường quyền chà đạp. Vậy thì giống và khác nhau thế nào với hiện thực cuộc sống thời hiện đại?
Xin thưa, cớ sự nhiễu nhương thời nào cũng có, chỉ là quân tử thì ít dần đi mà tiểu nhân thì tăng cơ số lần, chưa kể có các biến thể tinh vi đến mức con người ở thời này bị lừa phỉnh, che mắt và bị đâm đến cạn cả máu lửa.


"Kẻ ăn vạ" ở thời này là trào lưu, hay còn là thói thời thượng, một Nghề được nhiều người theo. Bởi nó không tổn hao nhiều sức mấy, chỉ tốn ít nhiều lít nước bọt cho kẻ cần nghe ngọt và để chà đạp kẻ không thuận theo. Duy chỉ khác, Chí Phèo làm tất cả những điều xấu ấy là để được sống, khi mà sự sống, miếng cơm manh áo không đủ đầy như thời đại này. Còn kẻ tiểu nhân ở thời này làm vì bản thân, để được ăn trên ngồi trước kẻ khác, hay đơn giản chỉ để khoe mẽ với đời.
Cái nóc nhà là thời đại mà sống ảo áp đảo chân tình lên ngôi chính là cái nôi êm ái cho kẻ tiểu nhân nung nấu thói ngang ngược của mình. Thời đại mà tìm 1 người để tin tưởng khó hơn Chí Phèo có Thị Nở để yêu thì quả là đau thương cho người ngay thẳng sống vật vờ với niềm tin mờ nhạt "làm đúng thì được quyền ngẩng cao đầu".
"Thế thời thời thế nên phải thế" - dường như Chí Phèo ở thời này được đổi vai, và lại chửi đổng, hay than ngắn thở dài cho số kiếp.  Có khác gì đâu quân tử hay tiểu nhân thời nào cũng có và cuộc chiến vẫn chưa dừng lại ở đó.




0 comments:

Post a Comment